Lăng mộ Humayun được khởi công xây dựng trong giai đoạn từ năm 1572 đến 1576 bởi hoàng hậu Hamida Baba Begum nhằm tôn vinh và tưởng nhớ chồng bà, hoàng đế Humayun. Điểm đặc biệt của lăng mộ này là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách Ba Tư và Mughal, làm nên một khuôn mẫu cho kiến trúc Mughal các thế hệ kế tiếp mà đỉnh cao là đền Taj Mahal ở Agra.
Tại đây, khu vườn rộng lớn gồm 4 khu vực, được chia tách bởi các hào nước bao quanh. Lăng mộ chính có chiều cao 47 m, gồm 2 tầng, mái vòm trên cùng cao 8 m được lát bằng đá cẩm thạch trắng và phần còn lại xây bằng đá sa thạch đỏ. Bên cạnh đó, lăng mộ còn kỳ công đến nỗi được tính toán dựa theo những quy tắc nghiêm ngặt trong hình học Hồi giáo với sự nhấn mạnh tập trung vào con số 8. Nhưng khu vườn muốn duy trì lâu dài thì cần một số tiền lớn, lại thêm việc chuyển thủ phủ Mughal từ Delhi tới Agra nên lăng mộ dần bị bỏ hoang và trở thành đống đổ nát.
Năm 1993, lăng mộ Humayun được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đã tạo nên một bước ngoặt mới. Lăng mộ được phục hồi, cải tạo lại với sự tài trợ của quỹ Aga Khan Trust for Culture. Tháng 9/2013, sau hai thế kỷ chìm dần vào quên lãng, lăng mộ Humayun đã hoạt động trở lại, thu hút du khách đến tham quan và một lần nữa ghi tên mình vào danh sách “Những tòa nhà đẹp nhất thế giới”.