Làng Mawsynram thuộc bang Meghelaya nằm ở vùng Đông Bắc, Ấn Độ. Đây là nơi cư trú của người Khasi, một dân tộc thiểu số của Ấn Độ với khoảng 1,2 triệu người. Với những trận mưa đổ liên tiếp quanh năm, đây là nơi ẩm ướt nhất nhất trên thế giới. Được biết, mùa mưa nhiều nhất là tháng 6 và tháng 7 với lượng mưa trung bình lên tới gần 7000mm.
Dẫu thời tiết chẳng mấy khi khô ráo quanh năm suốt tháng, ngày này qua ngày khác, nhưng những người dân Mawsynram chưa bao giờ than thở về cuộc sống của mình. Hằng ngày, họ vẫn siêng năng làm những công việc chân tay ngoài trời với người bạn cố tri là chiếc áo mưa phủ kín, làm từ tre và lá chuối. Bên cạnh đó, người dân ở đây còn sáng tạo ra một loại ô đặc biệt gọi là Knup nhìn xa giống như một chiếc thuyền được kết từ tre và lá chuối. Chiếc ô này đã giúp những người nông dân ở đây có thể thuận tiện hoạt động trong công việc, tránh những những cơn gió mạnh khi trời mưa lớn.
Lâu dần, cuộc sống sinh hoạt sau những màn mưa ẩm ướt mỗi ngày đã thành nếp, thành thói quen sinh hoạt của những người dân nơi đây. Động vật nơi đây luôn tìm sẵn cho mình một nơi trú ẩn, còn người dân địa phương học được việc không bao giờ rời nhà mà không có ô.
“Cầu sống” nối dài ở thung lũng mưa là một trong những điểm đặc biệt nhất của ngôi làng này. Điều đáng nói về cây “cầu sống” là nó không được làm bằng xi - măng, cốt thép hay những vật liệu hiện đại gì, mà được cải tạo để rễ của cây cao su phát triển thành những cây cầu tự nhiên. Nó có thể tồn tại lâu hơn nhiều hơn so với những chiếc cầu gỗ mộc mạc dễ mục rữa chỉ trong vòng một vài năm. Phải chăng lý do gọi nó là cây “cầu sống” là do những bộ rễ vẫn phát triển theo năm tháng để làm kiên cố thêm cho cây cầu, nói cách khác những cây cầu này đều làm từ vật sống mà ra. Những cây cây cầu này tự cường, trở nên bền bỉ hơn theo thời gian, khi hệ thống rễ phát triển.
Sự khác biệt về thời tiết cũng khiến nơi đây trở thành một điểm du lịch độc đáo, thu hút khá nhiều khách du lịch, tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, những cơn mưa sẽ giúp họ tích trữ nước cho mùa khô vốn rất khắc nghiệt tại nơi này. 70% diện tích bang Meghalaya là rừng, do đó ngôi làng Mawsynram cũng được che phủ bởi màu xanh bất tận của cây cối, đem đến không khí trong lành thoáng mát. Nếu có cơ hội du lịch Ấn Độ, hãy thử trải nghiệm một lần đến ngôi làng đặc biệt này nhé!