Khác với các ngôi đền khác ở Ấn Độ, đền Meenakshi Amman thờ nữ thần chứ không phải nam thần. Ngôi đền này thờ cúng thần Parvati là vợ của thần Shiva - vị thần tối cao trong Hindu giáo. Từ Meenakashi được ghép giữa 2 từ “mina” có nghĩa là "cá" và “aksi” có nghĩa là "đôi mắt".
Đền Meenakshi được xây dựng vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, dưới triều vua Pandya. Tuy nhiên, công trình ban đầu gần như bị xóa sổ khi người Malik Kafur xâm lược Madurai vào thế kỷ 13 và đến thế kỷ 16, nhà vua Viswanatha Naya mới cho xây dựng lại ngôi đền có kiến trúc tuyệt diệu, đồ sộ như hiện nay.
Khu đền khổng lồ này có diện tích khoảng hơn 182.000 m2 với 12 ngọn tháp. Trong đó ngọn tháp phía Nam là cao nhất với chiều cao 52m. Mỗi ngọn tháp được xây dựng theo cấu trúc kim tự tháp và bao phủ xung quanh bởi hàng ngàn các bức tượng đá rực rỡ là hình của những con thú, quỷ dữ, nam thần, nữ thần của đạo Hindu.
Đền Meenakshi Amman có một số ngôi đền riêng thờ nữ thần Parvati và con trai là thần voi Ganesha. Những ngôi đền này có tháp mạ vàng ngọn cao vút, hội trường, bể nước linh thiêng và vô số Mandapa (nơi để tín đồ chỉnh đốn xiêm áo, lễ vật, chuẩn bị hành lễ).
Rải rác khắp khu đền Meenakshi là vô vàn các tác phẩm điêu khắc, tượng các vị thần, chiến binh trên lưng ngựa, cảnh chiến đấu, nhân vật trong sử thi Ấn Độ và ước tính có khoảng 33.000 tác phẩm điêu khắc ở đây. Những dãy hành lang, các cột trụ, trần nhà đều được chạm trổ tượng đá tinh xảo, thể hiện sự tinh tế, tuyệt diệu của nghệ thuật điêu khắc của Ấn Độ.
Ban đầu, các tác phẩm điêu khắc làm bằng đá granit không sơn màu. Sau đó, người ta bắt đầu trang trí các tác phẩm này với màu bảy sắc cầu vồng sống động để ngôi đền rực rỡ, nổi bật trong các lễ hội, sự kiện lớn. Tuy nhiên, việc tô vẽ thiếu định hướng này đang dần làm mất đi vẻ đẹp sơ khai của các tác phẩm điêu khắc. Rất may là trong vài thập kỷ qua, đền Meenakshi Amman đang được trùng tu, khôi phục để gìn giữ vẻ đẹp ban đầu.